Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

VÌ SAO THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH THÀNH CÔNG?

 

Ở góc độ tôn giáo, như nhiều phát biểu trước đây của tôi, tôi không phải là tín đồ Phật giáo hay bất cứ giáo phái nào. Tôi yêu mến Phật giáo ở Triết lý hay tính triết học của nó. Trên thế giới, rất nhiều người xuất gia đi tu, nhưng sao ít người thành công như Thích Nhất Hạnh là câu hỏi cần được giải mã.

Tầm 15 năm nay, tôi đọc Thích Nhất Hạnh khá nhiều. Tôi cũng có thời gian định tham gia một khoá tu ngắn hạn ở Làng Mai (Pháp), vì thích triết lý Bụt của làng Mai, và cũng vì có bạn cũng đã từ giã cuộc sống dư giả để xuất gia và tu tại đây.

Nói về đọc Thích Nhất Hạnh, tôi đọc ông ở nhiều chiều kích. Ở góc độ học thuật, dưới cái tên Nguyễn Lang, Giáo sư ĐH Vạn Hạnh, ta đọc được ở ông những chiều kích thông tuệ và uyên bác, cái giải thích sâu sắc về lịch sử Phật giáo Việt Nam trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (in lần đầu 1973).

Tôi cũng đọc Thích Nhất Hạnh dưới cái tên quen thuộc của ông, về cách đưa con người thoát khỏi khổ đau.

1) Ông có một năng lực kể chuyện triết học Phật giáo một cách cuốn hút và gần gũi. Ông là người biến một thứ trừu tượng, mù mờ, giải thích kiểu gì cũng được như Phật giáo, thành một thứ gần gũi với đại chúng. Mà để làm được thế, phải am hiểu đến chân tơ kẽ tóc về Phật giáo.

2) Ông giúp nhiều người vượt qua khổ đau của chính mình. Hiểu nôm, bản chất nguyên thuỷ của Đạo Phật là nhận ra: À, cõi nhân sinh này chả có qué gì, ngoài khổ đau (“Đời là bể khổ”), chỉ ra nguyên nhân khổ đau và hướng dẫn cách mọi người các cách vượt qua khổ đau, đạt an yên. Nó như là cách thực tập giúp con người vượt các phiền não do con người gây nên (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi).

Có thế thôi mà nhiều ông sư chùa bao nhiêu đời nay toàn đưa Phật ra hù doạ. Người ta theo Phật vì sợ bị trừng trị, vì muốn được xin này xin nọ, chứ không hẳn phải là một cách thực tập thoát khổ.

Vậy thì từ khi xuất hiện Trường phái Làng Mai, mọi thứ được giải thích gần gũi hơn. Phật được gọi là Bụt. Ồ hay quá! Nghe đến “Phật” thì người ta có cảm giác “sợ” (bị trừng phạt) hơn. Nhưng cũng vị đó, được Làng Mai gọi là “Bụt” thì còn gì gần gũi và hay bằng. Nó làm ta nhớ, mỗi lúc đau khổ, cô Tấm cầu xin là Bụt hiện ra giúp đỡ vậy. Tuyệt nhiên, chưa bao giờ Thích Nhất Hạnh đưa Bụt ra doạ ai. Ông không đưa thứ nhân-quả nông cạn ra doạ chúng sinh. Bởi thế thì dễ quá, chẳng cần đến giáo sư Nguyễn Lang – Thích Nhất Hạnh làm.

Phương pháp của Làng Mai khá đơn giản, dạy người ta buông bỏ quá khứ, bớt lo lắng tương lai, an trú trong hiện tại. Bỏ bớt những tham ái, nỗ lo đời sống hiện đại, để tập trung quán chiếu hơi thở. Bởi khi tập thở và quán chiếu hơi thở, “an lạc trong từng bước chân”, người ta thấy mình sống và enjoy với hiện tại. Khổ đau cũng thế mà tan biến.

Con mắt triết học của phái Làng Mai cũng khác. Uống giọt nước như thấy uống từng đám mây (quán chiếu nhân quả), ta không phải là ta mà trong ta có cả tổ tiên mình trong từng tế bào, để thấy không có cái gì là mất đi. Cái triết lý “không sinh, không diệt” của nhà Phật được giải thích gần gũi quá!

Ông dạy Phật là cha mẹ trong nhà chứ đừng đi kiếm đâu xa.

Chính vì cách giải thích gần gũi đó, Thích Nhất Hạnh đã thu hút được một lượng rất lớn các tín đồ là các cư dân đô thị ở các nước phương Tây. Họ rơi vào khổ đau nhưng không thể tìm được một phương pháp thực tập nào hữu hiệu cho đến khi gặp Thích Nhất Hạnh.

Tôi, cũng như nhiều chúng sinh, không quan tâm lắm đến việc một phương pháp tu tập nào để đắc đạo, trở thành Bồ Tát hay gì đó cao siêu. Ở góc độ thực dụng, không nhất thiết mọi người tu tập thì phải trở thành Phật hay Bồ Tát gì đó. Tôi quan tâm đến trường phái Làng Mai ở góc độ nó cứu nhiều người thoát khỏi cái khổ đau của đời sống hiện đại. Đạo giúp Đời, là vậy!

Có lẽ, đến Thích Nhất Hạnh, Phật mới bước từ những câu kinh ra giúp đời, và người ta thấy Phật/Bụt gần đến thế.

3) Ở Thích Nhất Hạnh, ta không chỉ thấy đó là một thiền sư đơn thuần. Ông là một học giả uyên bác, một nhà thơ, nhà văn thông tuệ, và có gì đó của một nghệ sĩ lãng du.

Một triết lý được giải thích gần gũi, rõ ràng, lại được gói bởi chất thơ, sự mộng mị của văn chương, thì khác nào diều được thổi thêm gió.

Quan sát Thích Nhất Hạnh, nói thật, tôi thấy vai trò của nhà sư ở ông không nổi trội bằng vai trò của một triết gia và thi sĩ. Phật Giáo chỉ là một chất liệu, và là công cụ, để ông đến với đại chúng thực hành và phổ biến triết lý của mình mà thôi!

Lê Ngọc Sơn

(CHLB Đức, 24/1/2022)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn rất nhiều ạ

Chuyện làm ăn

Khoảng 20 năm trước, thầy tui (1 doanh nhân lớn tuổi người Hongkong mà tui kính phục kính yêu tuyệt đối) sang VN thăm sau khi hướng dẫn cho ...